Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - sự sống còn của doanh nghiệp

Ngày tạo: 22/03/2021 01:43:06
Lượt xem: 402

LAO ĐỘNG VÀ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM SÁNG TẠO, TỰ CƯỜNG TRONG CÁCH MẠNG 4.0:

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - sự sống còn của doanh nghiệp

Học viên trường nghề có thể tiếp cận công nghệ tự động ngay tại trường học. Học viên trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội trong tiết thực hành tại phòng Công nghệ 4.0.

Cuộc CMCN 4.0 là cơ hội để tăng năng suất lao động, nhưng sẽ rất khó thành công nếu không có những chính sách đồng bộ để cải thiện chất lượng giáo dục dạy nghề, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu. 

Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy thiếu và yếu. Đặc biệt là chưa có sự bắt tay giữa nhà trường và DN trong công tác đào tạo. 

Thiếu kỹ năng lao động

Theo Viện trưởng Viện KHLĐXH (Bộ LĐTBXH) - TS Đào Quang Vinh, hiện, nhu cầu tuyển dụng vẫn rất lớn, song, khả năng đáp ứng được những yêu cầu của DN vẫn còn rất khó khăn. Hiện, phần lớn các lao động đã qua đào tạo có thể đáp ứng được yêu cầu. Nhưng chúng ta đang thiếu các kỹ năng mềm như: Làm việc theo nhóm, trình độ ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ... Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, có những kỹ năng quan trọng về toán học, kỹ thuật, công nghệ và nghiên cứu… các cơ sở giáo dục vẫn chưa thể cập nhật, trang bị đầy đủ cho người học.

Báo cáo về Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2018 mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng chỉ ra rằng, sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như 1 rào cản đối với việc thu hút FDI và đối với hoạt động kinh doanh nói chung ở Việt Nam (khoảng 70 - 80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu). Phần lớn các DN đều không hài lòng với chất lượng giáo dục và kỹ năng của nhân viên, nhất là kỹ sư và kỹ thuật viên. Một vấn đề đáng lo ngại nữa là, LĐVN không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn, mà còn yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo và giao tiếp.

Sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0, với tâm điểm là việc hình thành các nhà máy thông minh, nhà máy số. Nơi mà các máy móc sẽ được kết nối, tự động ra quyết định, lợi thế về chi phí nhân công thấp tại Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tại đây, các robot tiên tiến và máy móc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế CNLĐ.

Cùng đó, khi VN ký kết và gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực có sự thay đổi về chất. Bên cạnh những thay đổi về thương mại và đầu tư, quá trình hội nhập cũng sẽ hình thành và phát triển mạnh mẽ những thị trường lao động có tính chất khu vực và toàn cầu.

Để thực hiện được yêu cầu này, buộc phải thay đổi, điều chỉnh phương pháp dạy và học tại các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, không thể giữ nguyên phương thức, mô hình và nội dung đào tạo như trước mà cần sớm đưa ra những thay đổi phù hợp để có thể cung cấp những “sản phẩm” tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động với yêu cầu ngày càng khắt khe.

Phải có sự “bắt tay” giữa nhà trường với doanh nghiệp

Theo TS. Đỗ Thị Hoài - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CHC - hiện nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có trình độ, có tay nghề trở nên cấp thiết đối với mọi DN. Để giải bài toán này, nhiều DN đã chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo, tuyển dụng lao động theo đúng yêu cầu phát triển kinh doanh.

Đồng thời, các DN cũng có ý thức đào tạo và chiêu mộ nguồn nhân lực với sự đảm bảo đôi bên cùng có lợi. Đặc biệt là việc chăm sóc, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ có việc làm và thu nhập ổn định, có cơ hội phát triển nghề nghiệp để có lực lượng lao động có tay nghề cao và kỷ luật làm việc tốt. Qua đó, nhiều DN đã chủ động phối hợp với các trường đào tạo nghề để đào tạo nhân lực theo yêu cầu của riêng mình.

Song song với việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, các DN đã chú trọng đến việc phối hợp với các trường đại học để mở các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng cho NLĐ để phù hợp và làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động và thu nhập... Vấn đề bất cập hiện nay là việc tiếp nhận những lao động trẻ vào làm việc, phần lớn các DN đều phải đào tạo lại, kể cả những người đã học đúng chuyên ngành cần tuyển dụng. Do phần lớn chất lượng đào tạo nghề của các trường nghề chưa cao, không theo kịp với sự phát triển của KHCN. Do đó, cần phải có cái “bắt tay” giữa DN và nhà trường để đào tạo trọng tâm, có chất lượng.

Cùng đó, các trường nghề nên rút ngắn thời gian học lý thuyết và phải tăng thời gian thực hành để khi vào làm việc, DN không phải mất công đào tạo lại. “Khi NLĐ có tay nghề tốt, đáp ứng được yêu cầu của DN, sẽ có mức lương ổn định ngay từ đầu chứ không phải mất thêm thời gian 3 đến 6 tháng để thử việc và phải hưởng mức lương 70%. Đồng thời DN cũng không phải mất thời gian để kèm cặp và đào tạo lại LĐ, điều này sẽ làm giảm chi phí cho DN và NLĐ,”- bà Hoài nhấn mạnh.

ĐẶNG TIẾN

 

Có thể bạn quan tâm